7 điều cô dâu trẻ cần chú ý khi đón Tết đầu tiên bên nhà chồng

Mỗi cây một hoa, mỗi nhà một cảnh. Tết đầu tiên ở nhà chồng sẽ đầy những bất ngờ, bỡ ngỡ mà cô dâu mới phải đối mặt.

Mỗi cây một hoa, mỗi nhà một cảnh. Tết đầu tiên ở nhà chồng sẽ đầy những bất ngờ, bỡ ngỡ mà cô dâu mới phải đối mặt. Bạn không còn là cô con gái rượu được cha mẹ tưng tiu, nâng niu và thoả sức ngủ nướng những ngày Tết nữa mà phải chứng tỏ mình là người phụ nữ đảm đang, chăm lo cho gia đình chồng. Tham khảo ngay lời khuyên cho nàng dâu mới đón Tết đầu tiên ở nhà chồng dưới đây để có cái Tết thoải mái, dễ chịu hơn.

1. Chọn quà Tết cho gia đình chồng

Chu đáo chuẩn bị quà Tết cho gia đình chồng giúp bạn được tiếng dâu thảo khéo léo. Bạn nên tham khảo tặng những món đồ có khả năng sử dụng lớn liên quan đến ngày tư ngày tết, như những giỏ quà, mâm trái cây cúng kiếng, đặc sản các vùng miền… Đặc biệt, bạn có thể trổ tài khéo léo, làm ra những món bánh mứt ngon miệng đặc sản, điều này sẽ giúp bạn “tăng điểm” rất cao trong đánh giá của gia đình chồng và họ hàng chú bác.

Không cần chọn quà biếu Tết quá đắt đỏ, tuy nhiên bạn tối kỵ chọn mua những món hàng nhái, hàng giả kém chất lượng tặng cho gia đình chồng. Thể hiện chút khéo léo tinh tường trong mua sắm giúp bạn được đánh giá tốt hơn.

Đón Tết Đầu Tiên Nhà Chồng

Quà Tết biếu cha mẹ chồng không cần là món đắt tiền, nhưng phải thể hiện được thành ý và sự quan tâm của bạn dành cho nhà chồng.

2. Bàn bạc với chồng về món tiền tặng cha mẹ, ông bà

Một món tiền kha khá trước Tết tặng cho cha mẹ chồng hoặc ông bà (nếu còn sống) sẽ giúp bạn được đánh giá là tinh tế và chu đáo. Tuỳ theo điều kiện kinh tế, món tiền này có thể từ 1 – 5 triệu đồng. Tốt nhất, bạn nên tham khảo cùng chồng mình, gói tiền vào phong bì cẩn thận và lễ phép trao cho cha mẹ chồng trước Tết, vào khoảng ngày 28-29. Khoản tiền này là tặng riêng, không nằm trong khoản chi dùng ngày Tết như chi phí nấu nướng, hoa trái…

3. Chuẩn bị tiền mừng tuổi

Với người Việt Nam, lì xì món tiền nho nhỏ cho trẻ em là nét truyền thống đẹp. Với nàng dâu mới, món tiền lì xì đôi khi là cớ để người nhà bên chồng đánh giá bạn là người thoải mái tiền bạc hay là người tiện tặn. Để tránh tình huống khó xử, bạn hỏi thăm về khoản tiền mà nhà chồng thường dành tặng con cháu là bao nhiêu, tránh việc lì xì quá nhiều sẽ tạo gánh nặng kinh tế cho bạn về sau, quá ít sẽ bị đánh giá là ki bo. Tuỳ theo từng khu vực mà số tiền lì xì từ 20- 50 nghìn đồng. Tốt nhất, bạn có thể nhờ chồng đứng ra lì xì giúp vì “của chồng công vợ” mà. Tiền lì xì ít hay nhiều cũng nên được cho vào bao trang trọng, khi trao cho trẻ kèm theo lời chúc đầu năm mới.

Đón Tết Đầu Tiên Nhà Chồng

Chuẩn bị sẵn tiền lì xì trong bao đỏ, tặng và kèm theo lời chúc đầu năm là nét đẹp văn hoá của người Việt Nam. Việc này quan trọng hơn việc bạn cho trẻ nhiều tiền.

4. Chào hỏi cho đúng tên tuổi, cách xưng hô

Tết đầu tiên trong vai trò nàng dâu mới, bạn sẽ rất ngạc nhiên và bối rối trước danh sách dài thượt họ hàng cô bác của chồng mình, từ họ nội tới họ ngoại. Dù có phức tạp, bạn cũng phải để tâm và xưng hô cho đúng. Chẳng hạn thay vì gọi Thưa dì, thưa cô chung chung, bạn nên chú ý thứ bậc, chẳng hạn gọi dì Hai, cô Út, thím Bảy… Gọi đúng tên và thứ bậc tạo cho người nhà bên chồng cảm giác bạn trân trọng và xem trọng nhà chồng.

Đón Tết Đầu Tiên Nhà Chồng

Chào hỏi đúng tên và thứ bậc người trưởng thượng giúp bạn ghi điểm trong mắt người nhà chồng

5. Phân chia thời gian vui Tết bên nhà chồng – nhà mình

Giờ là gái đã có chồng, bạn phải cân nhắc xem mùng nào trong Tết sẽ ở nhà chồng, mùng nào sẽ về chung vui cùng gia đình mình, cùng dùng bữa cơm sum họp ngày đầu năm mới. Việc này khá quan trọng, bạn khéo thu xếp kẻo làm nhà chồng phật ý hoặc cha mẹ bạn kém vui vì bạn dành thời gian ở bên kia nhiều hơn. Thông thường, bạn nên ở bên nhà chồng vào ngày mùng 1 Tết, ngày mùng 2 về với gia đình mình. Tuy nhiên tuỳ theo hoàn cảnh từng người mà có cách sắp xếp phù hợp hơn.

6. Chăm chỉ, trách nhiệm khi làm việc ngày Tết ở nhà chồng

Nàng dâu mới là thành viên quan trọng trong cái Tết đầu tiên ở nhà chồng, bạn có trách nhiệm tham gia mọi công việc lớn nhỏ ở nhà chồng để chuẩn bị cho ngày Tết. Mua sắp Tết cùng mẹ chồng, chung tay cùng anh chị em chồng dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, làm mứt… là những dịp cho bạn chứng tỏ khả năng khéo léo của mình. Hãy tham gia với tinh thần tự nguyện, chăm chỉ và vui vẻ bạn nhé. Ngược lại, thu xếp một ngày trước Tết, kéo chồng cùng về nhà cha mẹ bạn phụ giúp dọn dẹp, sắm sửa hoa trưng Tết. Giờ đã có đôi có cặp, trách nhiệm nhân hai, niềm vui cũng vì thế nhân lên.

Đón Tết Đầu Tiên Nhà Chồng

Phụ giúp gia đình chồng chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên khi về làm dâu là trải nghiệm bạn không thể quên được trong chặng đường hạnh phúc của hôn nhân

7. Chuẩn bị đối phó với hàng loạt câu hỏi

Người Việt Nam có thói quen hay hỏi thăm những việc rất cá nhân khi thăm viếng nhau dịp Tết. Khi chưa có chồng, hẳn có nhiều lần bạn ngượng khi được hỏi chừng nào có chồng. Giờ có chồng rồi, hãy chuẩn bị tinh thần người ta sẽ hỏi “Chừng nào có con”, hoặc “Ăn Tết nhà chồng vui như ở nhà không”…, còn nhiều câu hỏi từ trên trời rơi xuống nữa. Luôn nhớ, dù trả lời thế nào cũng cần lễ phép và bặt thiệp bạn nhé. Nếu có câu hỏi nào là khó bạn, tốt nhất nhờ ông xã đại nhân trả lời giùm, tránh việc thất thố bạn nhé.

Trả lời