Tục lệ cưới hỏi Việt Nam cũng là một trong những nét văn hóa đẹp của dân tộc. Cưới hỏi được xem là một trong 3 “đại sự” của đời người. Chính vì thế, những phong tục, quy định về việc cưới hỏi vẫn giữ được những yêu cầu cơ bản, hồn cốt của nó cho tới nay. Để hiểu hơn và tôn trọng đúng mực tục lệ cưới xin, trước hết cần hiểu được phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt.
Ông bà ta có câu:
“Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà
Trong ba việc đó thật là khó thay”
Điều này cho thấy trong nếp sống xưa, cưới xin là việc lớn, phải tôn trọng các quy định, phong tục thì mới mong cuộc sống của đôi uyên ương suôn sẻ, sung túc và hạnh phúc được.
Theo tục lệ cưới hỏi Việt Nam xưa, chuyện hôn sự phải trải qua “lục lễ” tức 6 lễ:
Lễ nạp thái: sau khi chấm được gia cảnh cùng cô con gái của nhà nào, nhà trai mang lễ vật sang nhà gái, còn gọi là một cặp “nhạn” để ngỏ ý đã chọn nơi đó.
Lễ vấn danh: nhà trai nhờ người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái.
Lễ nạp cát: đây là lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, đôi nam nữ hợp tuổi nhau thì có thể kết hôn (nếu tuổi xung khắc thì cũng thông báo để nhà gái biết, không tính chuyện hôn sự).
Lễ nạp tệ (hay nạp trưng): là lễ trao sính lễ cho nhà gái, một cam kết cho sự hứa hôn chắc chắn.
Lễ thỉnh kỳ: lễ xin định ngày, giờ tốt để được rước dâu tức lễ cưới.
Lễ thân nghinh (lễ cưới): đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để đón dâu.
Một trong những chi tiết nhiều người biết nhưng không phải ai cũng hiểu rõ đó chính là chữ hôn lễ, vốn được dùng phổ biến nhưng tại sao gọi đám cưới là hôn lễ. Theo lý giải thì “hôn” có nghĩa là chiều hôm, chiều tối vì theo tục lệ cưới hỏi Việt Nam ngày xưa thì đám cưới được tổ chức vào buổi chiều tối. Nhà trai đón được cô dâu về thường là cuối giờ chiều.
Với 6 lễ đã kể trên, ta có thể gói gọn lại các bước quan trọng trong tục lệ cưới hỏi Việt Nam thời xưa như sau:
Chọn dâu, kén rể
Ngày xưa, việc lấy vợ, gả chồng là việc của cha mẹ.Con cái đến tuổi trưởng thành thì cha mẹ tiến hành tìm người gá nghĩa trăm năm cho con. Kén rể, kén dâu là một công việc rất quan trọng. Trước hết là việc xem xét gia đình mình có ý muốn kết thông gia có môn đǎng hộ đối không, gia cảnh ra sao?
Theo tục lệ cưới hỏi Việt Nam truyền thống, cô dâu, chú rể tương lai phải hợp tuổi, tránh “tứ hành xung” là tốt. Bên cạnh đó, quan niệm “nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một” là đạt yêu cầu. Xem xét về ngoại hình, cô dâu phải có dáng người “thắt đáy lưng ong”, lại có nhan sắc yêu kiều thì càng được lòng nhà trai.
Lễ dạm ngõ hay xem mặt
Đây là lần đầu tiên đại diện nhà trai đến nhà gái, sau khi đã chọn được dâu đúng với “tiêu chuẩn”. Nhà trai sẽ đến nhà gái đánh tiếng xin kết thông gia và “làm quen” với nhau. Nếu sau lần dạm ngõ này suôn sẻ thì lễ ǎn hỏi chính thức được tiến hành. Đặc biệt, trong lễ chạm mặt này, cô dâu, chú rể tương lai mới được thấy mặt người chồng/vợ tương lai, vì thế còn được gọi là lễ xem mặt.
Lễ ăn hỏi
Khi hai gia đình đã thống nhất được với nhau về mặt gia thế môn đăng hộ đối, vào “ngày lành tháng tốt” sẽ tổ chức ǎn hỏi. Nhà trai mang lễ vật gồm trầu cau, chè, thuốc, xôi gà đến nhà gái để bàn chuyện chính thức cưới xin.
Thời xưa, theo tục lệ cưới hỏi Việt Nam, lễ này còn được coi là phần “ngã giá” người con gái. Trong lễ này, bao gồm việc thách cưới, nhà gái yêu cầu nhà trai trong lễ rước dâu phải có những lễ vật gì, số lượng bao nhiêu. Khi thách cưới, nhà gái thường đòi với số lượng lớn, yêu cầu thường là trầu cau, rượu, trà, gạo, bánh trái, đồ trang sức, trang phục cưới cho cô dâu và tiền mặt.
Sau lễ ăn hỏi, nhà gái mang trầu cau đi chia khắp họ nội ngoại, làng xóm, bè bạn. Việc này nhằm thông báo rằng mình đã đồng ý gả con gái, được coi là thay cho thiệp mời cưới.
Hôn lễ (lễ rước dâu)
Sau khi nhà trai đồng ý và thực hiện đủ các điều kiện nhà gái đưa ra, tiếp theo là chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới. Ngày cưới, nhà trai chọn giờ “hoàng đạo” mới đi, thường là buổi chiều, có nơi nhà trai xuất phát đến nhà gái vào chập tối. Trước đó, hai nhà đều đã sửa sang, trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị cho hôn lễ.
Dẫn đầu nhà trai là một vị cao niên, có uy tín, địa vị trong gia đình, làng xóm làm vị chủ hôn. Cùng với đó là nǎm đến mười thanh niên trẻ, còn “tân” làm phù rể, đi đón dâu. Đến nhà gái, trước khi vào cổng, đoàn đi đón dâu bị trai làng, trẻ con bên nhà gái chặn lại bằng một sợi dây thừng hay đóng cổng lại, với ý thử thách, nhà trai phải vượt qua được thử thách hoặc phải “mua chuộc” thì mới được cho vào nhà gái. Đây cũng là một truyền thống thú vị chỉ có trong tục lệ cưới hỏi Việt Nam xưa.
Sau khi đã vào đến sân nhà gái đoàn đi đón dâu được mời vào nhà ngồi ǎn trầu, uống nước và sau đó dùng cơm chiều. Tiếp sau đó, đại diện nhà trai mới xin dâu với họ nhà gái. Nhà gái bao giờ cũng làm ra vẻ dùng dằng, lần khần và chỉ đồng ý cho dâu đi vào cuối buổi chiều.
Đoàn đưa dâu của nhà gái cũng gồm những thiếu nữ trẻ và xinh, chưa chồng. Dẫn đầu đoàn đưa dâu cũng là một phụ nữ có tuổi, gia đình êm ấm và “mắn” con. Mẹ cô dâu sẽ chuẩn bị cho con gái 7 hoặc 9 chiếc kim nhỏ, cho vào một chiếc túi vải và mang theo bên người. Trên đường đi về nhà chồng, cô dâu sẽ thả lần lượt những chiếc kim này đi. Ngoài ra, cô dâu còn được chuẩn bị sẵn một tập tiền lẻ, để khi đi qua cầu hoặc qua ngã ba, ngã tư, sẽ trải tiền xuống đường.
Đoàn về đến nhà trai, pháo sẽ được đốt để chào đón nàng dâu mới. Theo tục lệ cưới hỏi Việt Nam thời xưa, nhất là ở miền Bắc, ở nhà trai sẽ có lò than hồng đặt trước cửa, để chờ cô dâu với nghĩa: lửa hồng sẽ đốt hết những tà ma theo cô dâu và đốt vía của tất cả những kẻ xấu miệng đã quở mắng cô dâu ở dọc đường.
Sau khi cô dâu làm lễ gia tiên nhà chồng xong, phía nhà chồng tặng cho cô dâu món quà, thường là tiền hoặc là đồ nữ trang. Khi các lễ đã xong, cô dâu được đưa về phòng tân hôn. Một người phụ nữ có tuổi, nhiều con cái trải chiếu cho giường của đôi vợ chồng mới cưới, một chiếc sấp, một chiếc ngửa… Với mong muốn cả hai sẽ hạnh phúc, sinh được con đàn cháu đống.
Lễ lại mặt
Theo quy định của đám cưới truyền thống Việt Nam, hai ngày sau lễ cưới, vợ chồng đưa nhau về thăm cha mẹ vợ với một số lễ vật, tùy theo tập tục địa phương bên vợ. Lễ này được gọi là “Nhị hỷ”. Nếu nhà chồng ở quá xa, không về kịp trong hai ngày thì có thể để bốn ngày sau, gọi là “Tứ hỷ”.
Vợ chồng mới cưới đem lễ ( có thể chay hoặc mặn) về nhà vợ để cúng gia tiên, trình bày với tổ tiên, cha mẹ, họ hàng là hôn lễ đã xong xuôi, trọn vẹn. Lễ lại mặt chính là dịp để cô dâu bày tỏ sự hiếu thuận với cha mẹ. Đồng thời, dịp trở về này cũng để nhà gái yên tâm rằng con mình làm vừa lòng chồng sau đêm tân hôn.
Tuy ngày nay, phong tục đám cưới ở Việt nam đã giản lược bớt nhiều thủ tục, tuy nhiên một số quy định cơ bản vẫn được gìn giữ. Ba lễ quan trọng là dạm ngõ, lễ ăn hỏi và rước dâu vẫn được duy trì trong nghi lễ cưới hỏi ngày nay. Kết hôn là việc lớn, mở ra cuộc sống mới cho đôi trẻ, chính vì thế việc hiểu và tôn trọng truyền thống sẽ giúp cho việc tổ chức đám cưới suôn sẻ, vui và ý nghĩa hơn là chỉ nghĩ đây là những quy định cứng nhắc, bắt buộc phải thực hiện.