Người Việt Nam tin rằng tục đón dâu hai lần giúp hóa giải điều xấu của đám cưới

Quan niệm cưới hỏi xưa tin rằng nếu cưới vào năm xấu, cặp đôi sẽ gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống hôn nhân và dễ dẫn đến chia ly. Việc tổ chức đón dâu hai lần nhằm hóa giải những điều xấu đó.
Tại Việt Nam, đám cưới truyền thống không chỉ là chuyện của cô dâu chú rể mà là chuyện chung của cha mẹ, họ hàng hai bên. Do vậy, các cặp đôi thường chịu nhiều áp lực về các tập tục theo quan niệm truyền thống. Trong đó, việc xem tử vi xem cô dâu chú rể có hợp nhau không rất quan trọng. Quan niệm xưa cho rằng định ngày cưới xem theo tuổi cô dâu. Hàng đơn vị tuổi âm lịch của cô dâu nếu trùng 1, 3, 6, 8 thì bị Kim Lâu (cưới năm đó thì không tốt), nếu có cưới năm đó thì phải tổ chức đón dâu 2 lần, tức là ăn hỏi xong đón dâu, đến ngày cưới chính thức lại đón dâu. Cô dâu có tuổi nằm trong mệnh Can: Đinh, Nhâm, Quý, Giáp cũng nên đón dâu 2 lần. Các bậc cha mẹ thủ cựu, tin vào các quan niệm định ngày cưới theo truyền thống tin rằng nếu cưới vào năm xấu, cặp đôi sẽ gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống hôn nhân và dễ dẫn đến chia ly. Việc đón dâu hai lần nhằm hóa giải những điều xấu đó.

Đón dâu 2 lần

Đón dâu 2 lần – đôi điều cần biết

Cách thức thực hiện việc đón dâu hai lần (cưới hai lần):

1. Hai nhà thống nhất tổ chức lễ ăn hỏi, lễ rước dâu đủ đầy trong đám cưới. Trong lễ đám hỏi, nhà trai dâng lễ xin cưới, sau đó cô dâu theo đàng nhà trai về bên chồng, nghỉ lại 1 đêm trong cùng phòng tân hôn (nhưng chưa động phòng). Sáng hôm sau, cô dâu lẳng lặng bỏ về nhà mẹ đẻ mà không cho ai biết, không gom theo tiền bạc tư trang gì. Đến ngày tổ chức đám cưới, nhà trai lại mang lễ sang xin rước dâu như thường, lúc này cô dâu về ở hẳn nhà chồng như đám cưới bình thường.

2. Cách này rối rắm hơn. Cô dâu chú rể tiến hành lễ cưới bình thường, nhưng đến 3 năm sau tiến hành tổ chức cưới lại. Trong ngày cưới lại, người vợ sáng sớm lẳng lặng bỏ về nhà cha mẹ, không gom theo đồ đạc tài sản gì (mang cả con theo về nếu có). Sau đó 3 ngày, nhà trai lại đến nhà gái dâng lễ xin rước dâu như ban đầu. Dĩ nhiên, lễ rước này đơn giản hơn nhưng phải đủ nghi thức, trình tự. Sau đó, nhà trai rước “cô dâu” về bên nhà, nhưng không đưa theo con cái về.

Làm lễ gia tiên

(Hình minh họa) Tổ chức đón dâu lần 2 chỉ là hình thức, tuy vẫn đòi hỏi đủ các nghi thức truyền thống.

Tại các vùng nông thôn, việc tổ chức đón dâu hai lần được thực hiện rất rình rang và tốn kém. Thậm chí, có cặp đôi làm thủ tục đăng ký kết hôn tại địa phương rồi hủy, sau lại đến tiến hành đăng ký lần hai, rất phiền phức và mất thời gian. Đây là hủ tục, nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn tin và áp lực buộc cô dâu chú rể thực hiện mới cho phép làm lễ cưới. Đám cưới là hỷ sự, bạn không muốn mất hòa hiếu giữa hai gia đình và mất lòng cha mẹ, nếu không thể cãi lại nguyện vọng của cha mẹ, bạn nên chọn cho mình cách thức đơn giản và ít tốn kém nhất.

Marry

Để lại một bình luận