Theo nghi thức cưới truyền thống ngày xưa, thủ tục hôn nhân phải trải qua 6 lễ, gồm: nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp tệ (hay nạp trưng), thỉnh kỳ, thân nghinh. Trong đó, nạp thái hay còn gọi là lễ dạm ngõ là nghi thức đầu tiên, khởi đầu cho “chuyến hành trình” hôn nhân của đôi trẻ.
Ngày nay, các nghi thức, thủ tục rườm rà đã được giản lược đi rất nhiều, từ 6 giảm còn 3 lễ. Trong đó, lễ dạm ngõ vẫn là bước đầu tiên, quan trọng “mở hàng” cho 2 nghi lễ tiếp theo là lễ ăn hỏi và lễ đón dâu được diễn ra suôn sẻ.
Lễ dạm ngõ là dịp đầu tiền hai gia đình chính thức gặp gỡ
Rất nhiều các bạn trẻ băn khoăn không biết lễ dạm ngõ gồm những gì, phải chuẩn bị gì để có buổi lễ trang trọng và thân mật. Về cơ bản, có thể hình dung đầy đủ về lễ dạm ngõ như sau:
Ý nghĩa của lễ dạm ngõ
Lễ dạm ngõ chính là lần gặp gỡ chính thức đầu tiên của hai gia đình nhà trai và nhà gái để trò chuyện, tìm hiểu về hoàn cảnh, gia phong, điều kiện của đôi bên. Ngày nay, dù các cặp đôi đã được tự do yêu và tìm hiểu nhau nhưng để tiến tới hôn nhân, họ vẫn cần cha mẹ hai bên có buổi gặp mặt, nhà trai mang lễ vật đến nhà gái, ngỏ lời xin phép cho hai con được chính thức qua lại và tính đến chuyện trăm năm.
Thời điểm tổ chức
Đây là nghi lễ đầu tiên của phong tục cưới nên về mặt thời gian, cũng như các quy định về xem ngày, giờ không quá khắt khe, nhất là trong thời đại ngày nay. Có gia đình cẩn thận sẽ đi xem ngày, với các nhà khác, nhà trai có thể tùy vào hoàn cảnh, điều kiện để chọn một ngày đưa lễ đến nhà gái. Thời gian cần được thỏa thuận trước để đôi bên cùng chuẩn bị chu đáo, tránh những sai sót gây ảnh hưởng không đáng có đến ấn tượng của hai gia đình dành cho nhau.
Ảnh: Demi Duy
Lễ vật cần chuẩn bị
Câu trả lời tiếp theo cho câu hỏi “lễ dạm ngõ gồm những gì” chính là lễ vật nhà trai mang đến nhà gái trong buổi lễ này. Phần lễ vật này cũng đơn giản, bao gồm: cơi trầu cau – lễ vật bắt buộc phải có trong nghi thức cưới hỏi của người Việt, với quan niệm “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Cùng với đó là cặp trà, rượu được gói trong giấy kính đỏ và trái cây.
Lễ vật này có thể thay đổi một chút tùy phong tục của từng vùng, miền. Ở miền Trung, lễ vật có thể có thêm bánh Hồng, một loại bánh đặc trưng của vùng Bình Định, Phú Yên. Trong khi đó, lễ dạm ngõ miền Nam, hay còn gọi là đám nói, lại có lễ vật đơn giản với cơi trầu cau têm cánh phượng và cặp rượu.
Ảnh: Demi Duy
Về phía nhà gái, nên dọn dẹp sạch sẽ bàn thờ gia tiên, nhà cửa để chuẩn bị cho lễ dạm ngõ. Chuẩn bị bàn ghế, bánh trái để tiếp khách. Tùy điều kiện, có thể chuẩn bị bữa cơm thân mật để mời đại diện nhà trai dùng bữa sau khi buổi lễ kết thúc, nhằm gia tăng tình cảm giữa hai nhà.
Thành phần tham dự lễ dạm ngõ
Do đây chỉ là buổi gặp mặt nội bộ của hai bên gia đình, nên thành phần tham dự cũng không quá đông, khoảng tối đa là 7 người đại diện mỗi gia đình là vừa đẹp. Ngoài cha mẹ hai bên, đại diện gia đình có thể là ông bà, người có tiếng nói trong nhà, trong dòng họ cùng với cô, dì, chú, bác thân thích…
Trình tự lễ dạm ngõ
- Đúng ngày, giờ đã hẹn, nhà trai sẽ đến nhà gái tiến hành lễ dạm ngõ.
- Đại diện nhà trai sẽ chào hỏi, giới thiệu thành phần tham dự buổi lễ. Tiếp đó, vị đại diện sẽ phát biểu trong lễ dạm ngõ, trình bày lý do đến nhà gái, trình tráp dạm ngõ gồm các lễ vật đã được chuẩn bị, xin phép để hai con được chính thức đi lại và tính đến chuyện trăm năm.
- Đại diện nhà gái cảm ơn, giới thiệu những người có mặt phía nhà gái và nhận lễ vật. Sau khi nhà gái đồng ý lời đề nghị đi lại của nhà trai, cha mẹ cô dâu tương lai sẽ dâng trái cây, lễ vật lên bàn thờ gia tiên và cho đôi trẻ thắp hương nhằm báo cáo với tổ tiên và cầu mong sự phù hộ cho chuyện hôn nhân sắp tới được tốt đẹp.
- Cả hai nhà cùng bàn bạc về đám hỏi, đám cưới cùng các yêu cầu như việc thách cưới, lễ vật, thời gian tổ chức và đi đến sự thống nhất.
- Kết thúc buổi lễ, nhà gái có thể mời nhà trai dùng bữa cơm thân mật tại nhà hoặc ở nhà hàng để tạo cơ hội giao lưu thêm, gia tăng sự gắn kết giữa hai gia đình nếu có điều kiện.
Có lẽ bạn đã hình dung tổng quan được một buổi lễ dạm ngõ gồm những gì và cần phải chuẩn bị ra sao để có được sự chu toàn cho buổi lễ “mở hàng” này. Dù không cầu kỳ và bị đặt nặng lễ nghi, thủ tục nhưng buổi lễ dạm ngõ cũng cần được chuẩn bị chu đáo để tiến hành thật trang trọng, ấm cúng, đúng với tinh thần “đầu xuôi đuôi lọt” giúp chuyện hôn nhân được thuận lợi và tốt đẹp nhất.
H. L