Theo những tài liệu về nghi thức cưới hỏi truyền thống, các lễ nghi trong việc cưới xin ở miền Nam cũng nhiều quy định nghiêm ngặt. Tuy nhiên, với cuộc sống ngày càng bận rộn, cộng thêm với lối sống chân chất, phóng khoáng của người phương Nam nên các thủ tục trong quá trình tổ chức cưới hỏi đã giản lược khá nhiều. Lễ dạm ngõ miền Nam cũng có một số điều chỉnh so với lễ dạm ngõ miền Bắc.
Không ít người dân Nam Bộ không để ý đến lễ dạm ngõ, hoặc đôi khi là không biết về lễ dạm ngõ. Trong quan điểm của họ, hai lễ quan trọng chính là đám hỏi và đám cưới mà thôi. Kỳ thực, lễ dạm ngõ miền Nam cũng vẫn được coi là 1 trong 3 lễ chính của quy trình cưới hỏi. Dù so với những nơi khác, buổi lễ này giản dị và có phần thoải mái hơn.
Có thể với các gia đình sống tại Sài Gòn, với guồng công việc bận rộn, việc tổ chức một lễ dạm ngõ là việc không nhất định phải làm. Với các gia đình ở các tỉnh miền Tây, nơi ít nhất vẫn còn duy trì được khá nhiều phong tục, lễ nghi thì lễ dạm ngõ dù đơn sơ vẫn cần được chuẩn bị chỉn chu. Vì thế, việc tìm hiểu lễ dạm ngõ là gì, cần những gì là điều không thừa với các cặp đôi sắp cưới.
Lễ dạm ngõ miền Nam còn được gọi là đám nói, lễ đi nói, tức là dịp gặp gỡ chính thức giữa phụ huynh của hai nhà để bàn bạc về chuyện hôn sự cho các con của mình. Lễ dạm ngõ cũng là một hình thức cho thấy cha mẹ chàng trai chấp nhận, trân trọng cô gái mà con họ yêu, muốn đến gia đình nhà gái để xin cô gái về làm dâu. Quan niệm của người Việt vốn tôn trọng việc “danh chính ngôn thuận”, nên lễ dạm ngõ cũng chính là sự công nhận mối quan hệ của hai bạn trẻ từ hai gia đình.
Về lễ vật trong lễ dạm ngõ miền Nam cũng không phức tạp, chỉ cần cặp rượu, trà được gói giấy kính đỏ trang trọng, mâm trái cây và khay trầu cau, nếu chi tiết thì có thể têm trầu cánh phượng. Với những gia đình mà nhà gái, nhà trai đều thoải mái, không nặng chuyện lễ vật, nhà trai chỉ cần có khay trầu cau và chai rượu cũng đã coi như đủ lễ. Chính vì thế lễ dạm ngõ miền Nam còn được nhiều người gọi bằng cái tên lễ bỏ rượu.
Thành phần tham dự buổi lễ này gồm cha mẹ hai bên cùng một số họ hàng, người có uy tín trong dòng họ cùng đôi trẻ. Đây được coi là buổi gặp gỡ chính thức của hai nhà, nên phần chính của buổi lễ là người lớn hai nhà nói chuyện, bàn bạc chuyện hôn nhân cho các con. Đại diện nhà trai sẽ phát biểu trong lễ dạm ngõ lý do đến nhà gái, xin phép để tổ chức lễ cưới cho hai con. Nhà trai trao lễ vật, nhà gái tiếp nhận và sắp xếp lễ vật lên bàn thờ gia tiên và cho phép đôi trẻ thắp nhang để xin sự chứng kiến và cho phép của tổ tiên.
Sau phần nghi thức này, hai nhà sẽ bàn bạc thời gian tổ chức đám hỏi, đám cưới hoặc có thể cộng gộp 2 lễ này tổ chức một ngày hay không. Ngay cả việc xem tuổi của hai con để xác định ngày lành cũng được bàn bạc trong lễ dạm ngõ. Tùy theo thỏa thuận của hai nhà mà những phần cơ bản của lễ hỏi, lễ cưới được thống nhất trước, mở đường cho quá trình chuẩn bị chi tiết sau này bớt những khúc mắc.
Ngày nay, việc cô dâu miền Nam kết hôn cùng chú rể miền Bắc, miền Trung hoặc ngược lại là điều không còn xa lạ. Sự khác biệt giữa quan điểm, phong tục các miền là hiển nhiên, nên việc có những rắc rối về các nghi lễ cũng là điều khó tránh. Trong trường hợp này, vai trò của “hai nhân vật chính” rất quan trọng. Các bạn cần phải tìm hiểu kỹ quy tắc lễ nghi mỗi miền, bên cạnh đó, mỗi người phải trò chuyện để hiểu rõ yêu cầu của phụ huynh, tìm ra những điểm khác biệt của hai nhà.
Khi đã hiểu được các điểm khác biệt này, mỗi người phải là “nhà thương thuyết” với chính cha mẹ mình, nhằm giúp người lớn hiểu rõ được sự khác biệt và mong muốn của mỗi gia đình. Từ đó, tìm ra giải pháp điều chỉnh để các buổi gặp mặt, nghi lễ sau này được suôn sẻ. Bởi hơn ai hết, phụ huynh dù có yêu cầu gì cũng chỉ mong chuyện hôn nhân của con cái được thuận lợi, suôn sẻ và tốt đẹp mà thôi.
An Chi
Theo: Marry.vn
Có thể bạn quan tâm: