Kiêng kỵ và lưu ý ở lễ đón dâu miền Bắc

Trong đám cưới truyền thống của người Việt Nam, đặc biệt là người miên Bắc, có rất nhiều điều cần tránh, kiêng kỵ vì gia đình nhà trai thường cho rằng, hạn chế càng nhiều điều không hay thì cuộc sống sau này của đôi uyên ương càng thuận lợi. Các bậc phụ huynh thường coi trọng những điều kiêng kỵ, đặc biệt là trong lễ đón dâu, nhưng không phải đôi uyên ương nào cũng hiểu rõ nên đôi khi sẽ gây ra những hiểu lầm không đáng có. Trước ngày cưới, cô dâu chú rể nên khéo léo hỏi han bố mẹ hai bên, tìm ra những điều các cụ cho là không may, từ đó làm vui lòng cha mẹ, để lễ cưới diễn ra suôn sẻ nhất

Báo Ngôi Sao sẽ tổng hợp một số quan niệm kiêng kỵ thường gặp trong lễ đón dâu miền Bắc, tuy nhiên, đây đa số đều là các quan niệm dân gian, chưa ai có thể kiểm chứng chắc chắn

1. Kiêng kỵ trước giờ đón dâu

a, Kiêng đón dâu không đúng giờ hoàng đại

Thông thường gia đình hai bên sẽ thống nhất ba giờ tốt, gọi là giờ hoàng đạo, một là thời điểm chú rể bước ra khỏi nhà trai để đi đón cô dâu, hai là giờ chú rể bước chân vào nhà gái để làm thủ tục đón dâu và giờ tốt thứ ba rơi đúng vào lúc chú rể đón dâu về nhà trai làm lễ gia tiên

Đôi khi, nhiều chú rể dở khóc dở cười vì các khung giờ đẹp này, ví dụ, theo gia đình đi xem, chú rể phải bước ra khỏi nhà từ 6h sáng, nhưng tới 9h mới được đến nhà gái làm lễ. Vì vậy, chú rể sẽ phải đến gần nhà gái, chờ khoảng 3 tiếng đồng hồ để đón dâu đúng được vào giờ đã định. Đoàn nhà trai khi đón cô dâu về cũng phải tính toán sao cho kịp giờ tốt

Nhiều gia đình quan niệm, nếu không làm đúng giờ hoàng đạo, đôi uyên ương mới sẽ không gặp may mắn, cuộc sống sau này sẽ khó khăn, không hạnh phúc. Vì vậy, hai gia đình sẽ luôn có người đại diện, để ý tỉ mỉ về mặt thời gian để nhắc nhở mọi người tiến hành đúng các thủ tục nhưng cũng phải đúng giờ

b, Kiêng để mẹ chồng đi đón con dâu

Trong phong tục cưới miền Bắc, mẹ chồng không được góp mặt trong lễ đón dâu. Trước đó, mẹ chú rể chỉ được cùng một người họ hàng thân cận nhất tới nhà cô dâu, làm lễ xin dâu. Sau đó khi đoàn nhà trai tới đón dâu, mẹ chồng phải tránh mặt không được đi cùng

Tới lúc cô dâu mới về nhà chồng thắp hương gia mắt tổ tiên, họ hàng, mẹ chồng cũng phải tránh mặt. Khi đó, mẹ chú rể có thể ở trong phòng đóng kín cửa hoặc tránh tạm sang nhà hàng xóm, sao cho không giáp mặt cô dâu. Chỉ tới khi các nghi lễ đã xong xuôi, đôi vợ chồng son mới vào phòng, mời mẹ ra mặt. Nhiều người tin vào điều kiêng kỵ này vì cho rằng mẹ chồng nàng dâu không giáp mặt sớm thì sau này cuộc sống giữa hai người sẽ yên ả, không gặp nhiều va chạm

c, Kiêng chuẩn bị bàn thờ gia tiên sơ sài

Trước giờ đón dâu, cả gia đình nhà trai và nhà gái đều phải chuẩn bị một mâm cỗ cúng gia tiên bao gồm các vật phẩm tối thiểu như gà luộc, xôi, rượu, hoa quả, vàng mã đặt trên bàn thờ. Bàn thờ tổ tiên cũng chính là thể hiện sự chu đáo của gia đình mỗi nhà nên đa số các bậc phụ huynh đều riêng việc chuẩn bị sơ sài mà phải lo liệu chu đáo, để tới giờ đón dâu, cô dâu chú rể sẽ cùng bố mẹ hai bên cùng thắp hương trên bàn thờ báo cáo với tổ tiên

d, Cô dâu không được xuất hiện trước khi chú rể vào đón

Vào ngày đón dâu, tân nương sẽ phải ngồi trong phòng, đóng kín cửa và không được ló mặt ra ngoài cho tới khi chú rể bước vào, tặng hoa cưới và đón cô dâu ra chào họ hàng. Nhiều gia đình kiêng không để cô dâu xuất hiện sớm vì cho rằng nếu gia đình nhà trai thấy mặt cô dâu trước chú rể, tân nương sẽ mất duyên và không còn được coi trọng sau đám cưới

Wedding (100)

Cô dâu chú rể phải thể hiện thái độ vui mừng, không được ngoái đầu về nhà gái. Ảnh: Serenpidity.

2. Kiêng kỵ và lưu ý trong lễ đón dâu

a, Kiêng cô dâu khóc hoặc ngoái lại nhà mẹ đẻ

Khi chú rể đã hoàn thành nghi lễ, đón cô dâu theo chồng về nhà trai, cô dâu phải hướng thẳng mặt, đi thẳng về phía trước, không được ngoái lại nhìn hay có thái độ quyến luyến, khóc lóc không muốn chia tay gia đình nhà mẹ đẻ. Rất nhiều gia đình kiêng việc này bởi họ cho rằng con dâu đã theo chồng mà còn vương vấn gia đình thì sau này sẽ sớm bỏ chồng về nhà mẹ đẻ hoặc không chu toàn với công việc nhà chồng

b, Lưu ý đem theo kim và tiền lẻ để trải dọc đường

Trước khi lên đường về nhà chồng, cô dâu sẽ được mẹ chuẩn bị cho 7 hoặc 9 chiếc kim nhỏ, cho vào một chiếc túi vải và mang theo bên người. Trên đường đi, cô dâu sẽ lần lượt thả những chiếc kim này đi. Phong tục này được lý giải rằng việc thả kim sẽ giải trừ xui xẻo, không có những điều kém may mắn đi theo cô dâu về nhà chồng. Một số người lớn tuổi lại giải thích cô dâu phải mang kim theo người để phòng khi chú rể bị cảm gió, sẽ dùng kim đó đâm vào xương cụt của tân lang, giúp chàng hồi tỉnh lại. Ngày nay, việc trải kim này trở thành phong tục của những gia đình cầu kỳ, truyền thống

Ngoài ra, các cô dâu cũng sẽ được mẹ chuẩn bị cho một tập tiền lẻ, để khi đi qua cầu hoặc qua ngã ba, ngã tư, cô dâu sẽ trải tiền xuống đường. Phong tục này hàm ý, đoạn đường sắp tới của đôi uyên ương sẽ luôn suôn sẻ, giàu sang

c, Kiêng để mẹ đẻ đưa con gái về nhà chồng

Thông thường, sau khi gia đình nhà trai làm lễ đón dâu, cô dâu mới sẽ theo chồng về nhà. Lúc này, mẹ đẻ không được đưa con gái về nhà chồng mà chỉ có bố cô dâu, cùng các bậc cao tuổi trong nhà đưa con gái lên đường về làm dâu

d, Kiêng không để cô dâu có bầu đi vào nhà từ cửa chính

Cô dâu đang mang bầu thì khi về nhà chồng không được danh chính ngôn thuận đi vào từ cửa chính mà phải đi vòng ra cửa sau để vào. Trường hợp nhà không có cửa hậu, cô dâu sẽ phải bước qua một chiếc chậu bồ kết nướng với than hồng, hàm ý xua đi điều xui vẻ. Một số nơi giải thích rằng cô dâu có bầu mà đi về nhà chồng bừng cửa trước sẽ làm cho nhà trai sau này không ăn nên làm ra.

Trên đây là một số điều kiêng kỵ phổ biến khi đón dâu ở miền Bắc, một số địa phương còn có những phong tục đặc biệt khác, nhưng đa số các điều này đều là quan niệm dân gian, chưa văn minh nên cha mẹ hiện đại, cô dâu chú rể cần thuyết phục bố mẹ bỏ qua các điều này. Ngược lại, nếu gặp gia đình quá tin tưởng vào các điều kiêng kỵ, cô dâu cũng nên chú ý và làm vừa lòng bố mẹ chồng, tránh những xung đột sau ngày cưới

Để lại một bình luận