Một trong những thách thức của các cặp đôi mới cưới, thậm chí là những cặp vợ chồng lấy nhau đã lâu, là việc sẽ ăn Tết ở nhà chồng hay nhà vợ. Không chỉ đơn giản là chỉ chọn điểm đến và tận hưởng những ngày Xuân đâu bạn ạ, không khéo cư xử sẽ khiến một trong hai bên gia đình phật lòng vì cho rằng vợ chồng bạn không công bằng khi chia sẻ ngày Tết của mình cho bên kia nhiều hơn.
Bên cạnh chuyện công bằng, các yếu tố như tài chính, đường đi xa hay gần, cách cân bằng thời gian ở bên gia đình ngày Tết.. tất cả đều là những thách thức thực sự cho những ngày vui lẽ ra bạn hoàn toàn được tận hưởng. Một số gợi ý để ngày Tết của vợ chồng bạn vui vẻ hơn và làm hài lòng cả hai họ.
Chia thời gian vui Tết cả hai bên gia đình
Đối với những cặp vợ chồng có gia đình lớn ở gần nhau, Tết là dịp rất vui vì hai vợ chồng có thể chia thời gian nghỉ Tết ra để chung vui với cả hai bên gia đình. Giao thừa, mùng 1 ăn Tết ở bên nhà chồng. Mùng 2-3 ăn Tết bên nhà vợ. Với những cặp đôi lấy nhau đã lâu, duy trì thời gian biểu sát sao này sẽ tạo thành truyền thồng ăn Tết riêng. Họ hàng cũng nắm được thời gian họp mặt đông đủ để cùng tề tựu về chung vui.
Các cô dâu mới dù có lưu luyến cha mẹ tới đâu, cái Tết đầu tiên sau khi cưới nên dành cho gia đình chồng. Điều này giúp bạn chiếm được thiện cảm của gia đình chồng, hiểu hơn các thành viên trong gia đình
Sum họp chung vui Tết với cả hai bên gia đình là chuyện lý tưởng mà cặp vợ chồng trẻ nào cũng muốn. Nhưng nhiều vấn đề ảnh hưởng tới quyết định ăn Tết ở nhà nào của họ.
Thu xếp bằng ngày nghỉ dài khác
Gia đình hai bên cách xa nhau hàng trăm, hàng nghìn km thì vợ chồng không thể nào trải đều ngày Tết cho cả hai bên được. Chi phí xe cộ, thời gian đi lại sẽ làm bạn thực sự mệt mỏi. Thay vì vậy, thưa chuyện với gia đình hai bên thông cảm và quyết định sẽ chọn lựa: Tết nghỉ bên gia đình chồng thì kỳ nghỉ dài khác (ví dụ dịp 30/4, 1/5) sẽ nghỉ bên nhà vợ, đến năm sau lại thay đổi. Điều này sẽ giúp ba mẹ hai bên cảm thấy được đối xử công bằng, thông cảm với vợ chồng bạn mà không phiền lòng phật ý.
Trao đổi rõ ràng với hai bên gia đình về kế hoạch ăn Tết của mình
85% người phụ nữ Việt Nam muốn được về ăn Tết bên gia đình mình vào dịp Tết. Tuy nhiên, phong tục cổ truyền của Việt Nam đòi hỏi người vợ có mặt gần như 100% tại nhà chồng để lo cúng kiếng các mùng trong Tết. Duy trì mãi theo suy nghĩ cổ hủ này sẽ làm người vợ có cảm giác thiệt thòi và ấm ức. Tốt nhất, hai vợ chồng nên trao đổi thẳng với nhau về dự định nghỉ Tết của mình, và thưa chuyện để cha mẹ hai bên thông cảm và ủng hộ.
Nếu không về quê chồng ăn Tết được, nàng dâu cũng nên chuẩn bị sắm sửa Tết nhứt để làm đẹp lòng nhà chồng.
Đừng bao giờ hứa mà không thực hiện đúng
Cha mẹ nào cũng mong con cháu về sum họp trong dịp Tết, đặc biệt người càng cao tuổi lại càng mong mỏi nhiều hơn. Ngay từ khi trước Tết, bạn nên có kế hoạch cụ thể và thưa chuyện rõ ràng với cha mẹ, ông bà. Khi đã có kế hoạch, tiến hành mua vé xe, vé máy bay ngay, tránh việc hứa về chơi Tết nhưng sau đó lại gọi điện xin hủy vì mắc kẹt công việc không thu xếp được, hoặc không có phương tiện về. Sự thất vọng ấy có thể làm tan đi niềm vui ngày Tết của các cụ.
Tạm “chia xa” ngày Tết – một ý kiến không tồi
Nếu không thể đạt thỏa thuận phải ăn Tết ở đâu vì nhiều vấn đề: nhà quá xa, chi phí đi lại cao, tiền quà biếu nhiều, chỉ thích ăn Tết bên gia đình nhà mình… bạn có thể giải quyết bằng cách.. nhà ai người nấy về, chỉ trong ba ngày Tết thôi.
Cách này đang được nhiều cặp vợ chồng có quê cách xa nhau chọn để ai cũng được hưởng Tết trọn vẹn, gia đình cũng đón thành viên về đông đủ. Với những người sinh sống tại các đô thị, lấy vợ/chồng khác tỉnh, tạm chia xa để về nhà cha mẹ ăn Tết giúp họ đỡ tốn chi phí đi máy bay, đi tàu. Chỉ 2-3 ngày không ở cùng cũng là cách giúp các cặp vợ chồng “hâm nóng” tình yêu và có thời gian ngắn tận hưởng “khoảng trời riêng” của mình, lên lịch thăm bạn bè, thầy cô cũ, sống lại khoảng thời gian Tết thuở ấu thơ. Các phương tiện giao tiếp hiện đại như điện thoại, Internet sẽ rút ngắn khoảng cách giữa hai người.
Du xuân với bạn cũ trong khi “trả” cho chồng vài ngày Tết thong dong tự do không phải là ý kiến tồi